
Đột quỵ vẫn luôn được biết đến là một trong những căn bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người bệnh. Chính vì vậy, nhiều người luôn tìm cách phòng ngừa đột quỵ từ sớm để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm thiểu mức độ thiệt hại mà bệnh có thể gây ra. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu 12 cách phòng ngừa đột quỵ đơn giản mà bạn có thể thực hiện mỗi ngày.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (hay đột quỵ não, tai biến mạch máu não) là tình trạng xảy ra khi lượng máu đưa lên não bị ngưng trệ đột ngột do mạch máu não bị vỡ hoặc có cục máu đông ngăn cản, chèn ép đường đi của máu, làm tắc mạch máu não. Khi đó, não bộ sẽ bị tổn thương và dần hoại tử. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân dễ bị hôn mê sâu, đi kèm với những di chứng nguy hiểm như: Méo miệng, liệt, nói ngọng,…
Những cách phòng ngừa đột quỵ tại nhà
Tập thể dục
Tập thể dục là một cách tuyệt vời để phòng ngừa và hạn chế những hậu quả của đột quỵ. Theo các chuyên gia, tập thể dục với mức độ từ trung bình đến nặng như chạy bộ hoặc đạp xe sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ. Với những người chăm tập thể dục mà vẫn bị đột quỵ thì bệnh cũng thường ít nghiêm trọng hơn và khả năng phục hồi tốt hơn so với đối tượng lười vận động.

Giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày
Muối làm tăng huyết áp – nguyên nhân chính gây đột quỵ. Theo một báo cáo tại Mỹ, những người tiêu thụ hơn 4.000mg muối mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu não cục bộ cao gấp đôi so với những người tiêu thụ ít hơn 1.500mg (tương đương 2/3 thìa muối) mỗi ngày.
Mỗi ngày 1 quả táo
Trong một nghiên cứu của Hà Lan, những người ăn nhiều trái cây và rau có phần thịt màu trắng (tiêu biểu là táo và lê) thì khả năng bị đột quỵ thấp hơn 52% so với những người ăn ít thực phẩm này do trong đó chứa nhiều chất xơ và quercetin – một chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Ngoài táo và lê, những loại rau củ bạn nên bổ sung để giúp phòng ngừa đột quỵ là: Chuối, súp lơ, dưa chuột, hành, tỏi,…
Uống cà phê điều độ
Theo bác sĩ Wayne M. Clark, giám đốc Trung tâm Đột quỵ Oregon và giáo sư thần kinh học tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon ở Portland (Hoa Kỳ), tiêu thụ cà phê ở mức độ vừa phải (1-2 cốc mỗi ngày) có thể giúp bạn phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, nếu bạn uống nhiều hơn mức này, huyết áp có thể tăng cao – đây lại là yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ. Mặt khác, những người bị phình động mạch tốt nhất không nên uống cà phê vì cà phê có thể làm động mạch suy yếu, dễ vỡ hơn.
Ăn sô cô la
Theo một nghiên cứu của Thụy Điển, những người ăn nhiều sô cô la có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 17% so với những người không ăn hoặc ăn ít. Điều này được lý giải rằng, ca cao trong sô cô la chứa flavonoid, chất chống oxy hóa chống lại những tổn thương mạch máu và ngăn ngừa cục máu đông – tác nhân gây đột quỵ. Nếu không thích sô cô la, bạn có thể thay thế bằng trà xanh, rượu vang, việt quất, dâu tây, tỏi – những thực phẩm giàu flavonoid.
Ăn cà chua
Cà chua chứa rất nhiều lycopene, chất chống oxy hóa giúp cà chua có màu đỏ. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, những người có nồng độ lycopene trong máu cao có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 55% so với người có nồng độ lycopene thấp. Ngoài cà chua, lycopene có nhiều trong các loại thực phẩm màu đỏ đậm như dưa hấu, bưởi, ổi,…
Điều trị bệnh rung tâm nhĩ
Rung tâm nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim, tâm nhĩ đập không “ăn nhập” với các phần còn lại của tim. Bệnh rung tâm nhĩ thường xảy ra ở những người trên 65 tuổi. Triệu chứng của bệnh là tim đập nhanh, chóng mặt, ngất xỉu, mệt mỏi. Một số người không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh rung tâm nhĩ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Khi những cục máu đông này đi lên não có thể gây đột quỵ não. Chính vì vậy, những người mắc bệnh rung tâm nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không mắc bệnh.
Điều trị bệnh tăng huyết áp
Mức huyết áp bình thường là 120/80mmHg. Khi huyết áp của bạn nằm trong khoảng từ hơn 120/80mmHg – 139/89mmHg thì được gọi là tiền tăng huyết áp, huyết áp từ 140/90mmHg trở lên được gọi là tăng huyết áp. Ở mức tiền tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tăng lên hơn 55% và nguy cơ này là 79% nếu đã ở mức tăng huyết áp. Để phòng ngừa đột quỵ, bạn cần kiểm soát huyết áp bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, giữ cân nặng điều độ, không hút thuốc và uống thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp theo chỉ định, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc ngay cả khi huyết áp đã giảm.
Uống thuốc theo chỉ dẫn
Trên thị trường có một số loại thuốc làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, thuốc kích thích điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý,… Những loại thuốc này có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim, dẫn đến nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo.
Bỏ thuốc lá
Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng lại bởi hút thuốc làm giảm oxy trong máu, dễ dẫn đến việc hình thành các cục máu đông. Đồng thời, khói thuốc lá kích thích động mạch, tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ trong động mạch. Chính vì vậy, những người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ cao gấp 2 lần và nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não

Tránh nơi ô nhiễm
Trong môi trường ô nhiễm, việc hít phải khói bụi sẽ làm cho các động mạch vành đàn hồi kém và suy yếu, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tránh lo lắng, trầm cảm
Đột quỵ có thể khiến bạn rơi vào trầm cảm, nhưng bạn có biết rằng, trầm cảm cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ? Một nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ đã chỉ ra, những người bị trầm cảm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 45% so với những người bình thường. Nguyên nhân là do những người bị trầm cảm thường hút thuốc, ăn uống kém và trốn tránh hoạt động thể chất, tất cả những điều này đều là yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
Để lại một phản hồi